Ký sự - Thương quá Lào Cai!

11h tối ngày 12/10/2014
Tôi biết bây giờ đã là 11h khuya và tôi chỉ vừa mới về tới nhà được 4 tiếng sau 6 tiếng ngồi ô tô và3 ngày rong ruổi! Tuy nhiên tôi vẫn muốn viết về chuyến đi, về những gì đã trải qua, để có thể giữ trọn vẹn nhất những cảm xúc hiện tại.
Để bắt đầu câu chuyện, có lẽ tôi nên đưa các bạn quay trở về thời điểm 2 tháng trước…
Từ cuối tháng 8 tôi đã bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi từ thiện năm 2014. Cần phải nói thêm rằng, đây là chương trình thiện nguyện được tổ chức hàng năm có tên gọi “Thắp sáng bản em”, chúng tôi thường phối hợp với Huyện Đoàn xã và đã từng tới Ba Vì, Mộc Châu, Hà Giang  nhưng năm nay, tôi lại đau đầu chưa biết sẽ “đi đâu, về đâu”. Tất cả còn rối bòng bong vì tôi chưa hề có bất cứ manh mối liên hệ nào  ngoài việc khoanh vùng sẽ chọn Lào Cai hoặc Yên Bái. Yên Bái thì đơn giản hơn, tôi có người quen tại đây nên chắc chắn sẽ dò la ra được những thông tin về Huyện đoàn, về Ủy ban và mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phần vì không muốn phiền hà và phần vì cứ cái gì khó khăn và thách thức lại càng lôi cuốn tôi, tôi đã chọn Lào Cai – nơi mà tôi hoàn toàn mù tịt. Tôi bắt đầu kết bạn với  anh “Gu gồ”và sau vài ngày nghiên cứu, tôi đã có được nhiều thông tin. Tôi thuộc bản đồ Lào Cai, nghiên cứu xem nên làm gì và ở đâu? Các huyện nghèo nhất của Lào Cai có Bát Xát và Bắc Hà, nhưngđịa hình quá hiểm trở, đường đi vô cùng khó khăn chắc chắn ô tô không thể vào được. Nếu đi hoàn toàn bằng xe máy thì quá nguy hiểm vì chúng tôi còn rất nhiều hàng hóa phải chở theo và Đoàn chưa có kinh nghiệm “phượt” xe máy cũng như thông thạo địa hình. Vì vậy phương án này gần như không thể thực hiện. Tôi bắt đầu nghiên cứu các huyện gần trung tâm thành phố Lào Cai.Vì không tìm được số điện thoại của Huyện đoàn nên tôi đã đánh liều, gửi email cho toàn bộ các thầy  cô tại trường Tiểu học Tả Phìn – Huyện Sapa mà tôi tìm thấy trên 1 website. May mắn sao tôi nhận được hồi âm và phản hồi tích cực từ phía nhà trường. Tuynhiên qua tìm hiểusâu hơn, tôi được biết trường Tiểu học Tả Phìn rất gần trung tâm Sapa vì vậy đã được rất nhiều đoàn tình nguyện đến hỗ trợ và các em cũng như các thày cô cũng không quá khó khăn thiếu thốn cả cơ sở vật chất và tinh thần. Sau vài ba cuộc họp, Ban phong trào quyết định năm nay sẽ làm từ thiện thiết thực, tặng đúng người đúng của, đến tận tay người dân nghèo – khó khăn thực sự. Quyết định trên thay đổi toàn bộ chương trình và địa điểm trong kế hoạch chỉ trước ngày lên đường dự tính khoảng 3 tuần. May sao có anh bạn giới thiệu cho tôi 1 người quen bên Hội chữ thập đỏ Hà Nội và từ đây tôi có đầu mối với Hội Chữ thập đỏ Lào Cai vàChủ tịch xã Sử Pán – Huyện Sapa.
Tôi và các anh chị trong Đoàn gấp rút lên lại lịch khởi hành, chốt số lượng người và lên 1 lịch trình chi tiết cho chuyến đi. Khi mọi thứ đã “hòm hòm” vấn đề khó khăn nhất vẫn là làm sao để quyên góp được thật nhiều tiền cho bà con. Ngoài việc đặt hòm từ thiện tại tầng 1 và kêu gọi quyên góp quần áo cũ, Ban phong trào đã được sự hỗ trợ từ phía Ban lãnh đạo Công ty cũng như những tấm lòng của các “đại gia không tên”.Cuối cùng cũng hoàn thiện 20 suất quà cho bà con: bao gồm những vật phẩm thiết yếu như chăn, áo ấm và một chút tiền mặt để chi tiêu. Cần phải nói thêm rằng bà con ở Sử Pán 100% là người dân tộc Mông, họ không nói tiếng Việt, sinh sống bằng nghề làm nương rẫy, chặt gỗ trên rừng và bán hàng lưu niệm cho khách du lịch dưới trung tâm Sapa. Tuy chỉ cách trung tâm 20 km nhưng đời sống của bà con cũng vô cùng là khó khăn. Tận mắt chứng kiến những ngôi nhà lá đơn sơ cũng như những khuôn mặt dày nếp nhăn, những làn da sạm đen sương gió và cả những đứa trẻ ngơ ngác trên lưng mẹ, lưng chị, nước mắt chúng tôi chỉ chực trào ra!
8h sáng ngày 10/10/2014
Sau khi chất hết đồ đạc lên chiếc xe Innova 7 chỗ của chi nhánh, Đoàn thiện nguyện chúng tôi bắt đầu xuất phát. Tôi chọn ngày 10/10 – ngày giải phóng Thủ đô, khi mà nhà nhà sum vầy náo nức đi xem pháo hoa, đi vui chơi thì chúng tôi lên đường rời khỏi Hà Nội, mang sự ấm áp tươi vui của Hà Nội đến những mảnh đời còn khó khăn nơi rừng núi hoang vu, như một cột mốc đáng tự hào, cho chuyến đi thêm phần ý nghĩa. Chính vì vậy chúng tôi đặt tên cho chuyến đi là “Những Con Mèo Giải phóng Sapa”.
Những câu chuyện rôm rả và sự hứng khởi không giấu khỏi trên nét mặt, đoạn đường dường như gần lại và chẳng mấy chốc chúng tôi đã có mặt tại Sapa. Sau 6 tiếng đi đường, chúng tôi nhanh chóng nhận phòng khách sạn, cất đồ rồi lại lên ô tô đi chợ Sapa, tìm mua những chiếc chăn ấm và mua đồ cho chuyến từ thiện. Thời tiết khá thuận lợi, có nắng ấm và gió mát nên tinh thần mọi người cũng phấn chấn hơn.
Buổi tối hôm đó, sau bữa tối đặc biệt bên nồi lẩu, chúng tôi mò mẫm ăn trong bóng tốido mất điện toàn thị trấn. Không dễ dàng nhưng ăn xong ai cũng cười thả ga, thật là 1 trải nghiệm thú vị .
Tôi khá ấn tượng với sự sầm uất của Sapa, phố Cầu Mây ở đây không khác gì Hàng Bạc – Hàng Ngang – Hàng Đào trên Hà Nội vì toàn Tây là Tây. Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi thì đẹp và lãng mạn vô cùng; Quảng trường thì đẹp – sạch và hoành tráng như “Đấu trường La mã”.
Tuy nhiên điều làm tôi không khỏi xúc động đó chính là những người dân tộc bán hàng tại Sapa. Đa số họ là người già và trẻ em, tối đến họ trải những tấm nilon ra vỉa hè, bày những thứ đồ lưu niệm họ đan, thêu và làm thủ công ra và bày bán. Những đứa trẻ khuôn mặt lấm lem, chân trần chạy trên đất, những ánh mắt trong veo, những giọng ngọng nghịu dễ thương, nhưng chúng không hồn nhiên hay cuộc sống mưu sinh không cho chúng hồn nhiên? Chị 8 tuổi cõng em bé 2 tuổi trên lưng, đi hết phố này tới phố khác. Chúng không ăn xin, không ăn kẹo, chúng chỉ cần bán được dù chỉ 1 món đồ trên tay. Đó có thể là chiếc vòng tay thổ cẩm, 1 chiếc túi đeo điện thoại hay 1 loại đồ treo đan bằng tay giá 5 ngàn, 10 ngàn...
Cứ nghĩ đến con mình đang ở nhà, tôi lại không khỏi xúc động nhìn những bàn tay bé xíu kia, đôi chân bé xíu kia hay tấm thân kia, đang co ro trên vỉa hè, cửa quán ăn, bậc thềm. Những điều ấy, thực sự là ám ảnh...
7h sáng ngày 10/10/2014
Thời tiết bỗng nhiên chuyển biến đột ngột. Sáng nay sương mù giăng kín đường phố, Đoàn chúng tôi hẹn gặp Cán bộ xã và lên đường xuống Sử Pán. Do còn chở chăn và quần áo quyên góp được, sương mù thì khá dày và nguy hiểm nên Đoàn thuê thêm 1 xe taxi để chở chăn. Sử Pán cách trung tâm Sapa gần 20 km, đường đi gập ghềnh nhiều đá sỏi. Đến gầnỦy ban độ 1km, ô tô không vào được nữa. Người dân ở đây tuy nghèo vật chất nhưng tình cảm thật sự nồng ấm, cán bộ xã và người dân cùng nhau vác bộ chăn, quần áo vào Ủy ban, không khí vô cùng ấm cúng và thân thiện. Đến tập trung nhận quà đa số là người già, do thanh niên đã đi lên rừng, lên nương rẫy, tụi trẻ con thì xuống trung tâm bán hàng cho du khách dịp cuối tuần. Chúng tôi nhanh chóng trao tặng và ân cần thăm hỏi bà con về đời sống, tuy nhiên bà con ở đây không nói tiếng Việt, khi tôi trao quà họ nói “Thank you”. Tôi nghe sao ấm áp quá nhưng lại chạnh lòng vì 1 câu tiếng Việt bà con cũng không thể nói được phải dùng tiếng nước ngoài, vừa giận mà lại vừa thương!
Tạm biệt người dân Sử Pán, tạm biệt cán bộ xã với những cái bắt tay nồng nhiệt, Đoàn chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá Sapa. Chúng tôi đến thăm Thác Bạc, Cầu Mây, Trại nuôi trồng – nghiên cứu cá hồi, cá tầm...1km xuống Cầu Mây phải leo bộ, tôi thấy có rất nhiều trẻ con, chúng đi theo chúng tôi, đứa lớn thì cõng đứa nhỏ, đứa nào đứa nấy mặt đen nhẻm, chân đi dép rách hoặc để chân trần. Thấy đoàn chúng tôi, mỗi đứa nhỏ “nhắm” 1 đồng chí. Vừa đi đám trẻ vừa hỏi han rất ân cần: Nhà chị ở đâu? Nhà chị có mấy anh/chị em? Chị ở Sapa đến hôm nào? Chị đã đi thăm Tả Van chưa, Thác Bạc chưa? Cát cát chưa?....” hỏi nhiều lắm những câu hỏi giống y như nhau. Tôi đâm tò mò, tôi hỏi lại: Thế em bao nhiêu tuổi? Ba mẹ em đâu? Nhà em có mấy anh/chị em? Em có được đi học không?... em bé tặng tôi 1 hình trái tim tự đan bằng lá dương xỉ non và 1 con ngựa đan bằng thân cây gì tôi cũng không biết nữa, trông rất đáng yêu và ngộ nghĩnh. Cô bé đó năm nay 8 tuổi, là con út trong gia đình 3 anh em. Ngày thường em tự thổi cơm mang đi học, ngày nghỉ phải về nhà đi bán hàng cho khách du lịch. Những đứa trẻ được học những câu hỏi và cả cách nói chuyện bằng cả Tiếng Việt và Tiếng Anh, những câu hỏi, những câu chuyện giống y như nhau, ngày này qua ngày khác. Đường đi dốc khá mệt, tôi bắt đầu tò mò hỏi cô bé “Tại sao em lại đi theo chị?” cô bé không trả lời, chỉ đến khi chúng tôi quay về cô bé với thỏ thẻ: “Chị mua cho em đi, em đi theo chị sao chị không mua cho em?”.Tôi thương lắm, không còn cách nào khác đành mua giúp mấy chiếc vòng đeo tay. Cô bé có ngày bán được, có ngày chả bán được cái gì, có hôm được ăn cơm, có hôm chả được ăn gì. Vậy mà những đứa trẻ đó vẫn khỏe mạnh, vẫn sống và ngày ngày leo dốc năm bảy bận, lẵng nhẵng theo đuôi khách du lịch, năn nỉ mua đồ 5-10 ngàn, cho chụp ảnh cùng với điều kiện phải cho tiền. Những đứa trẻ ấy cứ lang thang tự lo cho bản thân, lăn lộn để mưu sinh và kiếm sống! Thương lắm...
Tối thứ bảy nên tại quảng trường trung tâm Sapa có tổ chức phiên chợ. Ngày trước người ta vẫn gọi là Chợ Tình Sapa – nơi người dân tộc quanh vùng đến trao đổi, buôn bán. Còn ngày nay ở Sapa tràn ngập người dưới xuôi lên, nào Tây nào Ta,cũng vì vậy nênmỗi phiên chợ có thêm chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao. Những điệu múa, câu hát, điệu sáo, điệu khèn điêu luyện khiến lòng người mê say. Các anh/em trong Đoàn cũng được dịp thưởng thức nét văn hóa đặc sắc này và nhảy sạp cùng những cô gái dân tộc xinh đẹp!
10h sáng ngày 12/10/2014
Tạm biệt chút hơi sương lạnh của vùng cao, tạm biệt những bóng áo thổ cẩm và tạm biệt những ánh mắt ngây thơ,những phố xá đông đúc, chúng tôi lên đường trở về với Thủ đô. Đoạn đường về mang nhiều ưu tư suy ngẫm và dường như lại “nặng” hơn hành trang chúng tôi đã mang đi. Nặng bởi những băn khoăn rằng những gì chúng tôi đã làm được sao vẫn còn bé nhỏ quá, làm sao, phải làm sao giúp được thêm nhiều người hơn nữa, mang được nhiều hơi ấm tình người hơn nữa, làm sao để đi được nhiều và xa hơn nữa...
Những trăn trở băn khoăn ấy cũng như những nụ cười móm mém, những ngây thơ ấy sẽ là động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa, mong rằng có thể làm nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn để cuộc đời thêm ý nghĩa và tốt đẹp hơn!!!

Hẹn gặp lại nhé “Thắp sáng bản em” !!!