Dự án thay thế hạ tầng máy chủ, nâng cấp và chuyển đổi hệ thống tại 32 Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố phía Nam

Tổng quan, hiện trạng và yêu cầu của dự án

Cục Công nghệ thông tin – Kho bạc Nhà nước là một trong những khách hàng lớn và truyền thống của HPT. Năm 2015, HPT đã chuyển đổi hệ thống cho Kho bạc Nhà nước (KBNN) và hệ thống chạy ổn định đến hiện tại. 

Phạm vi dự án lần này thực hiện chuyển đổi tại 32 Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố phía Nam (Từ Đà Nẵng trở vào) với mục tiêu thay thế 04 máy chủ vật lý cũ của mỗi tỉnh (của toàn bộ 63 tỉnh) bằng 02 máy chủ vật lý mới cho mỗi tỉnh, ảo hóa chạy nhiều máy ảo trên 02 máy vật lý mới, đảm bảo đủ hoạt động cho các ứng dụng tại tỉnh chuyển sang máy mới. Đây là dự án có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì toàn bộ hoạt động của KBNN tỉnh đều nằm trong dự án này. KBNN yêu cầu HPT phải cam kết trong quá trình triển khai, lắp đặt, cài đặt thiết bị phải đảm bảo không gây ảnh hưởng hoặc làm gián đoạn tới hoạt động nghiệp vụ của KBNN các tỉnh, thành phố (trường hợp cần thiết thì thực hiện lắp đặt, cài đặt ngoài giờ hành chính, trong ngày nghỉ). Quá trình triển khai chuyển đổi hệ thống đảm bảo dữ liệu được đồng bộ nhất quán trước và sau khi chuyển đổi.

Về hiện trạng hệ thống của KBNN, các máy chủ vật lý tại các tỉnh chạy hệ điều hành Windows 2012R2, trên mỗi máy chủ vật lý triển khai phần mềm ảo hóa và tạo nhiều máy chủ ảo cài đặt hệ điều hành Windows, được tham gia vào hệ thống miền Microsoft Active Directory của KBNN. Các máy chủ được sử dụng để phục vụ cho các ứng dụng khác nhau của KBNN như máy chủ chia sẻ tập tin và in ấn (File server, Print server), giải pháp phòng chống mã độc cho người dùng cấp Tỉnh và cấp Huyện, máy chủ xác thực người sử dụng Active Directory, máy chủ của các chương trình ứng dụng hệ thống kế toán NSNN cho kiểm soát chi đối với các đơn vị quan hệ ngân sách thuộc khối An ninh – Quốc phòng (KTKB-ANQP), quản lý nghiệp vụ kho quỹ tập trung, tổng hợp báo cáo chi đầu tư và kiểm soát chi đầu tư, …

Các hệ thống ứng dụng nghiệp vụ của KBNN các tỉnh, thành phố hiện đang hoạt động trên nền tảng hệ điều hành Windows và cơ sở dữ liệu Oracle. Các máy chủ và dịch vụ hệ thống này được kết nối sao lưu vào hệ thống sao lưu hiện có tại mỗi tỉnh để thực hiện sao lưu các loại dữ liệu filesystem, database, OS và VM, …vv

Khó khăn và thách thức

Hiện trạng hạ tầng hệ thống tại các KBNN tỉnh, thành phố (32 tỉnh từ Đà Nẵng trở vào), các yêu cầu kỹ thuật triển khai nâng cấp hệ thống đảm bảo tính nhất quán, tính toàn vẹn, an toàn dữ liệu, quá trình triển khai chuyển đổi hệ thống các máy chủ ảo từ máy chủ vật lý cũ sang máy chủ vật lý mới phải đảm bảo không gây ảnh hưởng hoặc làm gián đoạn tới hoạt động nghiệp vụ của đơn vị.

Việc triển khai diện rộng tại 32 tỉnh được chia làm 2 giai đoạn chính gồm triển khai lắp đặt hạ tầng máy chủ, kết nối hệ thống và triển khai chuyển đổi hệ thống với mục tiêu bắt buộc hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn do phát sinh tiến độ cung cấp hàng hoá từ nhà phân phối và một số KBNN tỉnh, thành phố đang cần trang cấp máy mới để thay thế cho hạ tầng cũ bị hư hỏng hoặc không đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành.

Việc tối ưu chi phí, phân bổ nguồn lực kỹ thuật cho dự án gặp nhiều thách thức do triển khai song song nhiều dự án cùng một thời điểm.

Với các khó khăn và thách thức, để phương án triển khai đảm bảo các yêu cầu và mục tiêu của dự án đề ra chúng tôi đã nghiên cứu mô hình triển khai cũng như phương án tiếp cận phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn ở trên.

Mô hình chuyển đổi và phương án triển khai

1. Mô hình chuyển đổi:

• Mô tả thành phần hệ thống:
» 02 máy chủ vật lý đặt tại mỗi chi nhánh
» 02 máy chủ vật lý để đồng bộ VM với nhau.
» 02 máy chủ vật lý

• Mô tả các máy chủ ứng dụng nghiệp vụ chạy trên nền tảng Hyper-V:
» Máy chủ ứng dụng tại Kho bạc nhà nước
» Máy chủ Read-only domain controller
» Máy chủ Antivirus
» Máy chủ Kaspersky dùng AV cho client
» Máy chủ Trend-Micro dùng AV cho server
» Máy chủ File Server, Printer Server
» Các máy chủ VM

2. Phương án triển khai:

Như đã chia sẻ các khó khăn và thách thức ở trên khi triển khai diện rộng tại 32 KBNN tỉnh, thành phố và để tối ưu được chi phí triển khai cũng như đảm bảo tiến độ chung dự án. Chúng tôi đã đưa ra nhiều phương án bao gồm:

» Triển khai thí điểm mẫu trong phạm vi hẹp để đánh giá quy trình, phương án triển khai trước khi triển khai diện rộng.
» Triển khai đào tạo trực tuyến (Online) cho toàn bộ cán bộ tin học thuộc 32 KBNN tỉnh, thành phố.
» Chuyển giao, hướng dẫn CBKT triển khai lắp đặt và đấu nối từ xa.
» Xây dựng kịch bản, Script phục vụ triển khai từ xa.
» Triển khai chuyển đổi hệ thống, xử lý sự cố và các vấn đề phát sinh tập trung tại KBNN TW.
» Hướng dẫn kiểm tra, bàn giao, nghiệm thu từ xa.

Đánh giá kết quả triển khai cho đến thời điểm hiện tại

Với sự nỗ lực của tổ dự án (kỹ thuật, PM, mua hàng, kinh doanh, quản trị), sự quan tâm chỉ đạo từ Ban giám đốc và hỗ trợ từ đội kỹ thuật của KBNN TW, cho đến thời điểm này của dự án, chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn đặt hàng, phân tích và thiết kế hệ thống, triển khai thử nghiệm tại KBNN Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình và thu được những thành quả nhất định như sau:
» Về phương án kỹ thuật, lịch trình triển khai: đã thử nghiệm thành công phương án triển khai chuyển đổi từ xa góp phần rút ngắn tiến độ triển khai, đảm bảo mục tiêu và yêu cầu triển khai trước một số điểm ưu tiên theo yêu cầu KBNN TW.
» Về nguồn lực: tối ưu và tiết kiệm 25-30% chi phí Manday (nguồn lực triển khai) do triển khai tập trung tại KBNN TW, đảm bảo dự phòng nguồn lực khi phát sinh điều động dễ dàng từ nhóm dự phòng hoặc nguồn lực khác.
» Về chi phí triển khai: tối ưu và tiết kiệm 35 – 45% chi phí triển khai so với phương án triển khai Onsite tại KBNN tỉnh, thành phố.
» Về chất lượng dịch vụ: kiểm soát chất lượng tốt hơn do triển khai tập trung nên hạn chế kiểm soát nhiều đội triển khai tại các tỉnh, hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh.

Bằng sự quyết tâm và đoàn kết cao, tổ dự án đã giữ đúng cam kết hoàn thành dự án vượt tiến độ, đạt chất lượng và các mục tiêu đề ra.