Cuộc trò chuyện về điện toán đám mây

Phạm Anh Liêm

Phòng GP Hệ  thống-CNHN – Trung tâm HSI

Lời dẫn: Trong lúc vừa ăn cơm vừa xem quảng cáo trên ti-vi, bên cạnh những “bổ thận tráng dương” với “bình lọc nước tráng kim cương” tự nhiên thấy xuất hiện cả quảng cáo về “điện toán đám mây” của IBM, vợ tôi liền quay sang thắc mắc điện toán đám mây là gì. Sau một hồi gãi đầu gãi tai như khỉ mà không biết giải thích sao cho vợ hiểu, tôi chợt nhớ đến một con khỉ nổi tiếng, kẻ đầu tiên trên thế giới ứng dụng “mây” trong công việc hàng ngày: Tôn Ngộ Không. Nhờ rất nhiều mối quan hệ với họ hàng nhà khỉ tôi đã xin được một cuộc hẹn với Mr.Tôn, và dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện.

Người viết: Chào Mr. Tôn (bắt tay), rất cảm ơn anh đã cho cơ hội được gặp mặt. Anh có biết là anh nổi tiếng ở Việt Nam đến nỗi trong 20 năm nay không có năm nào là anh không lên ti-vi dịp hè không?

Tôn Ngộ Không: Thật thế à? Ông bà ta thường có câu “con khỉ mốc” nhưng xem ra Lão Tôn này vẫn chưa “mốc” nhỉ.

Người viết: Không “mốc” đâu ạ. Có nhiều người xem bộ phim này từ hồi còn mặc quần đùi bắn bi ve. Giờ đã lên chức bố rồi mà vẫn còn ngồi há hốc mồm ngồi xem Tây Du Ký với con ấy chứ. Không biết sau khi hộ tống Đường Tăng thỉnh kinh đắc đạo xong thì công việc của anh bây giờ thế nào?

Tôn Ngộ Không: Ờ thì đấy,thỉnh được kinh xong thì Phật Tổ cho tớ cái chức “Đấu Chiến Thắng Phật”. Nhưng tính tớ thì không quen ngồi một chỗ nên thỉnh thoảng lại xách gậy đi phang yêu quái, đôi lúc hơi quá tay nên để lại hậu quả. Để kìm chân tớ thì Phật Tổ giao cho thêm cái chức Viện trưởng Viện ứng dụng CNTT trong nghiên cứu và tuyên truyền Phật học, tên tiếng Anh là ITCULI.

Người viết: Thế thì may quá. Hôm nay xin gặp anh cũng là vì muốn hỏi một số vấn đề về “mây mưa” trong CNTT. Anh là người đầu tiên dùng Cân đẩu vân làm phương tiện đi lại, giờ lại làm về IT nữa thì tốt quá rồi.

Tôn Ngộ Không: (Vỗ đùi) Khá, cậu cũng tinh đấy. Hàng ngày tớ nhận được không biết bao nhiêu là thư mời của các hãng tham dự hội thảo giới thiệu về điện toán đám mây, trong khi đó không đứa nào ý thức được rằng chính tớ, Mr. Tôn, là người đầu tiên trên thế giới ứng dụng mây trong công việc hàng ngày chứ đâu phải chờ đến tận bây giờ mới ra rả giới thiệu khắp nơi như thế.

Người viết: Vâng, những câu chuyện như vậy trong IT thì cũng không ít đâu ạ. Lấy ví dụ như cái Công nghệ ảo hoá thôi. Từ cách đây 30 năm IBM đã đưa ra công nghệ ảo hoá để ứng dụng rồi, nhưng phải vài năm trở lại đây thì mới có phong trào “ảo” khắp nơi như thế. Vậy với tư cách là người khởi xướng việc sử dụng mây, anh có thể đưa ra một khái niệm đơn giản, dễ hiểu về cái gọi là điện toán đám mây không ạ?

Tôn Ngộ Không: Để dễ hiểu thì thế này, tạm quên cái điện toán đám mây của cậu đi, nói về cái Cân đẩu vân của tớ đã. Ngày xửa ngày xưa, khi Bồ đề sư tổ đặt bẫy được một đàn vịt trời bay rất khoẻ, ngài liền nghĩ ngay đến việc bán dịch vụ vận chuyển nhờ đàn vịt này. Sau khi thuần hoá và huấn luyện được đàn vịt, Bồ đề sư tổ dùng phép để phủ một đám mây lên đàn vịt, vừa là để nhìn cho đẹp mắt, vừa là để che dấu “bí quyết công nghệ” trước các đối thủ cạnh tranh. Và sau đó Sư tổ bắt đầu tung dịch vụ vận chuyển bằng đám mây này ra bán. Tớ vừa là học trò, vừa là khách hàng đầu tiên nên được Sư tổ tặng miễn phí cho một cụm mây, chính là Cân đẩu vân. Thiên hạ thấy tớ cưỡi mây phi vù vù nhưng đâu biết được rằng chẳng qua cũng chỉ là cưỡi vịt. Mà tớ thì cũng chẳng quan tâm là vịt hay mây, chỉ cần biết là khi cần thì ới một tiếng là có thứ chở mình đến đích với tốc độ 1.8 vạn dặm/nháy mắt. Lúc nào có việc gấp, cần đi nhanh hơn thì tớ trả thêm tiền dịch vụ, Sư tổ sẽ cho thêm vài con vịt vào Cân đẩu vân của tớ, khi đó tớ thích vít ga cái Cân đẩu vân của tớ lên tốc độ bao nhiêu cũng được. Dễ hiểu chứ?

Người viết: Vâng, rất dễ hiểu. Thế nhưng đấy là vận chuyển đám mây, còn điện toán đám mây thì sao ạ?

Tôn Ngộ Không: Giờ chỉ cần hình dung đó không phải là dịch vụ vận chuyển nữa mà là một dịch vụ tin học nào đó, ví dụ như Thư điện tử hay Lưu trữ dữ liệu thì sẽ có khái niệm về điện toán đám mây. Nếu cậu là người sử dụng các dịch vụ đó – như tớ dùng Cân đẩu vân – thì điện toán đám mây sẽ là dịch vụ tin học mà cậu không cần biết nó nằm ở đâu, hoạt động thế nào, có gì bên trong, chỉ cần biết nó đáp ứng được nhu cầu của mình (gửi/nhận được email, cất/lấy được dữ liệu…). Còn nếu cậu là người cung cấp các dịch vụ đó – như Bồ đề sư tổ - thì điện toán đám mây là cách làm ra một dịch vụ như vậy để bán (từ xây dựng hạ tầng phần cứng (bắt vịt trời), phần mềm (thuần hoá, huấn luyện vịt), đến quản lý và cung cấp dịch vụ ra bên ngoài (phủ mây, tính phí và điều chỉnh số lượng vịt theo yêu cầu…)).

Người viết: Nếu nói như vậy thì các dịch vụ chúng ta vẫn hay sử dụng như Yahoo!Mail để gửi nhận email, Google Docs để chỉnh sửa văn bản hay Dropbox để lưu dữ liệu đều là điện toán đám mây phải không anh?

Tôn Ngộ Không: Đúng vậy. Dùng từ bấy lâu nay mà không mấy người để ý.

Người viết: Vậy điện toán đám mây với ảo hoá có liên quan với nhau như thế nào mà tại sao ở đâu có “mây mưa” là ở đó thấy “ảo”, thưa Mr. Tôn?

Tôn Ngộ Không: Cái này là mấy ông muốn tạo mây cần phải quan tâm. Ngày xưa Bồ đề sư tổ bán mây thì mỗi đám mây phải có ít nhất 1 con vịt, trong khi đó có những vị mua mây nhưng chẳng mấy khi dùng đến khiến cho không biết bao nhiêu vịt chết vì teo cơ. Rồi mỗi khi có vị nào cần tăng tốc cho mây thì Sư tổ lại phải hì hục thu mây về nhét thêm vịt, chính vì vậy nên đầu tư và duy trì dịch vụ rất tốn kém. Từ ngày bọn VMware nó tung ra ảo hoá, sư tổ liền áp dụng ngay để ảo hoá đàn vịt. Chính vì thế nên giờ một con vịt có khi làm được đến chục đám mây, vị nào mua mây mà chưa dùng ngay thì sức vịt sẽ dồn cho mây của vị khác. Rồi nếu có vị nào muốn tăng tốc cho mây thì Sư tổ cũng chả cần thu mây về nữa, ấn nút một phát là mây đang bay sẽ được tự động tăng thêm vịt lực. Đấy, ảo hoá nó phù hợp với mây vậy đấy, cứ như sinh ra là chỉ để dành cho nhau.

Người viết: Ra là thế. Vịt mà ảo đi một phát đã có lợi như thế thì nói gì đến CNTT. Vậy theo đánh giá của anh thì công nghệ điện toán đám mây phải chăng sẽ là xu hướng tất yếu mà nhà nhà đi theo?

Tôn Ngộ Không:“Điện toán đám mây” không phải là một công nghệ mới mà đúng hơn là một “khái niệm” đã từng được ứng dụng và triển khai trong quá khứ và bây giờ đang được mấy ông hãng đưa lên lại thành một trào lưu. Thực tế thì nếu một dịch vụ không chạy được trên hạ tầng hiện có của doanh nghiệp thì cũng đâu chạy được trên đám mây. Điện toán đám mây chỉ giúp ích trong việc giải quyết các bài toán hiện có theo một cách hiệu quả hơn. Chính vì vậy thì theo tớ “mây” không phải là một xu hướng tất yếu phải theo mà đó chỉ là một lựa chọn tốt để giải quyết một số vấn đề cụ thể. Vẫn còn nhiều vấn đề mà điện toán đám mây chưa thể giải quyết được, một trong số đó là vấn đề bảo mật và an toàn thông tin. Như tớ đây, nhiều lúc lỡ nói chuyện điện thoại hơi to trong lúc cưỡi mây là về nhà cũng lo ngay ngáy. Mấy con vịt mà ngồi lại với nhau thì rách việc lắm! Thành ra đôi khi vẫn cứ phải chống Thiết Bảng mà đi cho nó lành.

Người viết:Ra vậy. Thế thì tiếp sau trào lưu “điện toán đám mây” sẽ là trào lưu gì thưa Mr. Tôn?

Tôn Ngộ Không:Điện toán đám mây sẽ còn phát triển trong vòng vài năm nữa, và sau khi đã tích đủ “mây” thì sẽ thành “mưa” thôi. Mưa chính là sợi dây nối con người với mây nên theo tớ thì trào lưu tiếp theo của CNTT sẽ là Kết nối và Di động. Các hệ thống thông tin sẽ được chuẩn hoá hoàn toàn và kết nối với nhau thành một hệ sinh thái toàn cầu và có khả năng tự thích nghi cao. Người dùng sẽ không còn bị hạn chế về vị trí và không gian mà có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi trên mọi loại thiết bị.

Người viết:Rất cảm ơn Mr. Tôn với những chia sẻ rất thú vị. Hi vọng  trong tương lai sẽ có dịp được tiếp tục trao đổi với anh hoặc các bác Đường, Trư, Sa về những chủ để khác. À mà không biết liệu có cơ hội nào để có thể gặp mặt được cả 4 thầy trò không ạ.

Tôn Ngộ Không:Chẹp, giờ thì hơi khó. Chú Trư đã bỏ đất Phật về lại Gia Trang nhà họ Lâm theo bố vợ kinh doanh ăn uống khách sạn. Chú Sa với Bạch Long thì đã sang Syria làm đại sứ hoà bình. Chỉ có Sư phụ có lý lịch với CV tốt thì giờ đang đi tu nghiệp chuẩn bị về làm sếp. Năm trăm năm nữa đến ngày Sư phụ về sẽ họp hội đồng hương, anh sẽ gọi chú đến gặp mặt.

Người viết:(Chóng mặt!)