Giải pháp trên Open Source Software

Phạm Anh Liêm

Phòng Giải pháp Hệ thống

Trung tâm Tích hợp hệ thống

Lời nói đầuTrong một phút lỡ “cao hứng” tôi có hứa sẽ tham gia một bài viết về công nghệ cho HPT Hotnews, và đáng lẽ đó sẽ là một bài “chữa cháy” thuần túy về một công nghệ trong mảng tôi đang phụ trách. Tuy nhiên, khi đọc được bài viết “Những thách thức hiện tại của HPT” của anh TríVM trong cuốn sách 15 năm, tôi lại thấy thôi thúc muốn được viết ra những điều mình đã ấp ủ từ khá lâu, từ khi mới ra trường cho đến khi đã làm việc tại HPT được hai năm, đó là làm cách nào để có thể tạo ra và bán được các sản phẩm của mình. Xin được gửi lời cảm ơn đến anh TríVM về những gợi mở trong bài viết của anh và cũng xin gửi lời cảm ơn đến bạn LệĐTN về những vấn đề trong mảng thị trường SMB đã giúp tôi có thêm ý tưởng cho bài viết này.

Giới thiệu về Open Source Software (OSS) và các giải pháp trên OSS

“Open Source Software” (OSS) là một khái niệm đã trở nên hết sức phổ biến trong giới lập trình nói riêng và giới Công nghệ thông tin (CNTT) nói chung. Bản thân cái tên “Open Source” đã nói lên tất cả về đặc trưng của các OSS, đó là mã nguồn của phần mềm được công bố rộng rãi cho những ai quan tâm, đối lập với Closed Source Software là các phần mềm mà bạn chỉ được phép sử dụng sản phẩm cuối cùng (thành phẩm) chứ không được biết sản phẩm đó được tạo ra và hoạt động như thế nào (ngoại trừ những vấn đề mà nhà cung cấp phần mềm chủ động công bố). Chính nhờ tính “mở” của OSS mà các lập trình viên khác có thể kiểm tra, can thiệp, tùy biến, phát triển và tối ưu hóa các OSS sẵn có để từ đó tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng các nhu cầu sử dụng cụ thể thay vì phải bắt tay xây dựng từ đầu. Do vậy các sản phẩm OSS có tính kế thừa và khả năng ứng dụng cũng như phát triển hết sức to lớn.

Nói đến OSS thì sản phẩm đầu tiên phải nhắc đến là hệ điều hành Linux, một hệ điều hành nguồn mở và miễn phí[1], được xây dựng và phát triển chính bởi một nhóm các chuyên gia lập trình hàng đầu cùng với sự hỗ trợ và đóng góp của một cộng đồng cực kỳ đông đảo các lập trình viên trên toàn thế giới. Có thể nói không một hệ điều hành hiện có nào có khả năng hỗ trợ đa nền tảng tốt như Linux. Bạn có thể “gặp” Linux ở trên mọi thiết bị có khả năng xử lý và tính toán, từ các thiết bị gia dụng, điện thoại di động đến các thiết bị điều khiển trong công nghiệp, từ các thiết bị mạng đến máy tính cá nhân PC, từ các máy chủ cho đến các hệ thống mainframe và cả trên các siêu máy tính (Super Computer).

Trên cơ sở hệ điều hành Linux, rất nhiều các OSS khác đã được xây dựng và phát triển bởi cả các cá nhân và cộng đồng để đáp ứng từng nhu cầu sử dụng cụ thể trong hầu hết các lĩnh vực ứng dụng CNTT. Trong một doanh nghiệp, sử dụng hệ điều hành Linux kết hợp với các OSS khác (đa số là miễn phí), ta có thể xây dựng được một hệ thống thông tin đáp ứng hầu hết các nhu cầu về CNTT của doanh nghiệp, từ các máy tính cá nhân với đầy đủ các ứng dụng văn phòng đến hệ thống các thiết bị mạng và bảo mật như router, firewall, antivirus, antispam; từ các máy chủ cung cấp các dịch vụ xác thực người dùng, email, chia sẻ file, web, cơ sở dữ liệu cho đến xây dựng các hệ thống phức tạp như cụm máy chủ (cluster), lưu trữ (filer), ảo hóa hay điện toán đám mây (cloud computing). Trong thực tế, rất nhiều dòng sản phẩm thương mại của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Cisco (các thiết bị mạng và bảo mật), HP (thiết bị ảo hóa lưu trữ và chia sẻ file), IBM (thiết bị lưu trữ), VMware (giải pháp ảo hóa), Symantec (thiết bị bảo mật), Google (hệ điều hành cho thiết bị di động)... đã được xây dựng dựa trên nền tảng của hệ điều hành Linux. Điều đó một lần nữa khẳng định khả năng ứng dụng và phát triển hết sức to lớn của hệ điều hành Linux nói riêng và phần mềm nguồn mở nói chung. 

Xây dựng sản phẩm mang thương hiệu HPT với OSS

Bài viết của anh TríVM mà tôi nhắc đến trong Lời nói đầuđã phân tích khá chi tiết các thách thức mà HPT, đặc biệt là HSI đang phải đối mặt như phụ thuộc hoàn toàn vào các sản phẩm và giải pháp của các hãng công nghệ lớn, thách thức trong sự thay đổi chiến lược tiếp cận khách hàng của các hãng (tiếp cận trực tiếp với khách hàng thay vì qua các đối tác), thiếu các giải pháp tổng thể từ hạ tầng phần cứng đến các giải pháp phần mềm, mới chỉ tập trung vào mảng các khách hàng lớn, chưa khai thác hiệu quả thị trường các doanh nghiệp vừa và nhỏ... Và cuối cùng, HPT chưa có được một sản phẩm riêng hay một dịch vụ độc đáo khác biệt với đối thủ. Vậy “sản phẩm riêng” của HPT sẽ là sản phẩm như thế nào? Đó sẽ là phần cứng, phần mềm hay dịch vụ? Tập trung vào phần cứng đơn thuần sẽ cần sự đầu tư rất lớn cả về vốn và công nghệ trong một thời gian dài để có thể tạo ra được các sản phẩm có tính đột phá, đủ khả năng cạnh tranh. Các sản phẩm phần mềm thuần túy hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường. Còn để xây dựng được một sản phẩm dịch vụ riêng biệt, có khả năng cạnh tranh cao sẽ gặp nhiều trở ngại nếu chúng ta vẫn còn phải phụ thuộc quá nhiều vào các hãng cung cấp sản phẩm. Do đó, nên chăng chúng ta cần xây dựng được các giải pháp trọn gói từ phần cứng đến phần mềm và cung cấp các dịch vụ cho chính giải pháp của chúng ta.

Vậy tại sao lại lựa chọn OSS để làm xuất phát điểm để xây dựng sản phẩm riêng cho HPT? Như đã phân tích ở trên, OSS có khả năng hỗ trợ đa nền tảng mạnh mẽ, lĩnh vực ứng dụng hết sức phong phú, khả năng phát triển linh hoạt và phần nhiều là không mất phí bản quyền. Đầu tư vào phát triển các sản phẩm trên OSS, chúng ta sẽ tranh thủ được nguồn tài nguyên tri thức hết sức dồi dào sẵn có, rút ngắn được thời gian tiếp cận và làm chủ công nghệ, có thể sớm tạo ra các sản phẩm ban đầu và dần dần khai thác các tiềm năng ứng dụng khác để phát triển thành các sản phẩm mới đặc thù, có khả năng cạnh tranh cao. Ở đây tôi xin đề xuất về mặt ý tưởng các giai đoạn cơ bản để xây dựng một sản phẩm đặc thù dựa trên OSS mà theo tôi là phù hợp với điều kiện hiện tại của HPT, theo hướng bắt đầu từ Dịch vụ ®Phần mềm ®Phần cứng như sau:

+  Giai đoạn 1- Xây dựng dịch vụ: Trong giai đoạn ban đầu, do mới tiếp cận về công nghệ và thị trường cũng như năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ nghiên cứu - phát triển (R&D - Research and Development) chưa cao, chúng ta có thể tập trung vào việc nghiên cứu tích hợp các giải pháp trên OSS sẵn có, đã được thử nghiệm và đánh giá cao để xây dựng các gói giải pháp dịch vụ tổng thể bao gồm Tư vấn - Triển khai - Hỗ trợ cho các khách hàng có nhu cầu xây dựng hệ thống trên nền tảng Linux, đặc biệt với các khách hàng trong mảng thị trường vừa và nhỏ muốn xây dựng các giải pháp có chi phí thấp. Ví dụ: Giải pháp xây dựng trọn gói hạ tầng CNTT với các máy trạm (PC) sử dụng hệ điều hành Linux desktop và phần mềm văn phòng OpenOffice, các máy chủ cung cấp dịch vụ Email, Directory Service, File Sharing, Database, Website, Proxy, Firewall trên nền tảng Linux server. Do phần nhiều các phần mềm nguồn mở là miễn phí nên chi phí đầu tư ban đầu là khá hấp dẫn đối với các khách hàng vừa và nhỏ. Trong khi đối với HPT, việc tự xây dựng và bán dịch vụ trên OSS, không phụ thuộc vào hãng cung cấp sẽ mang lại cho chúng ta sự chủ động trong việc cạnh tranh trên thị trường.

+  Giai đoạn 2 - Phát triển phần mềm: Trong giai đoạn tiếp theo, khi năng lực của đội ngũ R&D đã được nâng cao, HPT đã có được uy tín trong mảng dịch vụ OSS cũng như kinh nghiệm về nhu cầu ứng dụng của khách hàng, chúng ta có thể mở rộng sang việc tùy biến, cải tiến và phát triển các OSS sẵn có để phù hợp với nhu cầu đặc thù của từng khách hàng cho đến phát triển và cung cấp cho khách hàng các phần mềm hệ thống riêng mang logo của HPT. Ví dụ: Phần mềm HFiler phát triển từ OSS hỗ trợ xây dựng hệ thống lưu trữ tập trung dựa trên IP với đầy đủ các tính năng sẵn sàng cao, đồng bộ dữ liệu cục bộ cũng như từ xa, có thể cài đặt trên mọi hệ thống x86 chuẩn công nghiệp, cho phép khách hàng xây dựng các hệ thống lưu trữ tập trung dung lượng hàng chục TB có tính sẵn sàng cao với chi phí phần cứng dưới $5000. Đây cũng sẽ là một bước ngoặt đánh dấu khả năng tự phát triển và làm chủ công nghệ để tiến tới xây dựng các sản phẩm mang đậm dấu ấn HPT.

+  Giai đoạn 3 - Xây dựng giải pháp tổng thể với phần cứng + phần mềm + dịch vụ: Đến giai đoạn này, chúng ta có thể kết hợp việc phát triển phần mềm với lựa chọn phần cứng phù hợp từ các đơn vị OEM để sản xuất các thiết bị ứng dụng (Appliance) mang thương hiệu HPT như thiết bị ảo hóa HPT VBox, thiết bị chống thư rác HPT AntiSpam, cụm máy chủ cơ sở dữ liệu HPT DBReady, hệ thống lưu trữ HPT DiskSystem... với tỉ lệ hiệu suất/giá cả cạnh tranh. Xa hơn nữa, chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng việc phát triển các thiết bị bên ngoài lĩnh vực CNTT như các hệ thống viễn thông, hệ thống điều khiển/giám sát, các hệ thống nhúng... để từ đó mở ra nhiều mảng thị trường mới.

Quay trở lại vấn đề về những thách thức hiện tại của HPT, nếu làm tốt việc xây dựng được các giải pháp trọn gói từ phần cứng - phần mềm - dịch vụ như trên, chúng ta sẽ có cơ sở để giảm bớt sự phụ thuộc vào hãng cung cấp trong việc lựa chọn giải pháp tư vấn cho khách hàng, tạo ra các sản phẩm riêng biệt phục vụ cho từng đối tượng khách hàng cụ thể, và nếu được đầu tư mạnh mẽ, chúng ta hoàn toàn tự tin có thể xây dựng được các giải pháp có chất lượng đủ để cạnh tranh với hãng trong một số mảng nhất định hay tạo ra các sản phẩm riêng biệt để phát triển một mảng thị trường hoàn toàn mới.

Thay lời kết

Trên đây là những ý tưởng còn rất sơ khai của tôi về một hướng đi để xây dựng sản phẩm mang thương hiệu HPT. Do hạn chế về kiến thức cũng như kinh nghiệm của tác giả nên bài viết này chắc chắn còn nhiều điểm thiếu sót và chưa chính xác. Tác giả rất hi vọng sẽ nhận được nhiều góp ý cũng như phản biện của các anh chị để có thể hoàn thiện được ý tưởng của mình. Mọi ý kiến đóng góp các anh chị vui lòng gửi đến địa chỉ anhliemdq@yahoo.com. Xin chân thành cảm ơn!


[1]Cần phân biệt phần mềm nguồn mở (Open Source Software) và phần mềm miễn phí (Free Software). Không phải mọi phần mềm nguồn mở đều miễn phí, cũng như không phải mọi phần mềm miễn phí đều là nguồn mở.