Xu hướng dịch chuyển của Digital Business Automation: Robotic process automation và AI

Artificial intelligent (AI – Trí tuệ nhân tạo) và Robotic Process Automation (RPA) đang là những xu hướng rất mới và nóng trong giới công nghệ trong thời gian qua, đặc biệt là lĩnh vực phần mềm doanh nghiệp, mảng kinh doanh chính của HPT. AI và RPA rất phù hợp để sử dụng phục vụ mang lại các lợi ích chủ chốt của Digital Business Automation (DBA), một nhóm giải pháp đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và nhu cầu triển khai của các khách hàng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối ngân hàng. Với vai trò là kỹ sư triển khai giải pháp DBA của hãng IBM tại trung tâm HAS, đã chứng kiến sự thay đổi của IBM DBA trong những năm gần đây, người viết xin được dẫn dắt bạn đọc qua các khái niệm này, cũng như phân tích xu hướng áp dụng AI và RPA, trong các giải pháp DBA, đặc biệt là bộ giải pháp IBM DBA.

1. Một chút khái niệm

AI (Artificial Intelligence): Trí tuệ nhân tạo. Là tập hợp các công nghệ nhằm xây dựng các trí tuệ được biểu diễn bằng các hệ thống nhân tạo, đặc biệt là máy tính. Nói một cách nôm na, đây là mảng công nghệ nhằm giúp máy tính có khả năng học hỏi, thích ứng, đưa ra quyết định, phần nào đó tương tự con người. Ứng dụng của AI trải rộng trong nhiều lĩnh vực, như tự động hóa, xe tự hành, hệ hỗ trợ quyết định, thống kê, xử lý ảnh,…

RPA (Robotic Process Automation): Là tập hợp các công nghệ nhằm xây dựng các phần mềm làm thay công việc của con người trên máy tính, với hiệu suất, độ chính xác cao hơn cũng như khả năng theo dõi, đánh giá và nâng cấp được. Lấy ví dụ các công cụ giúp tự động truy xuất dữ liệu từ một hệ thống, hoặc tự động nhập liệu vào một hệ thống khác…. Nôm na hiểu rằng, RPA cung cấp khả năng xây dựng các nhân công “Robot”, làm thay công việc của nhân công thực sự. Nhân công “robot” này tuy rằng ít tính sáng tạo hơn con người nhưng tốc độ cao hơn, sai sót thấp hơn, không mệt mỏi và nói vui rằng không đòi tăng lương hay xin nghỉ phép.

Digital transformation: Chuyển đổi số, là việc áp dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, nhằm chuyển đổi các nghiệp vụ và quy trình đang có, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.

DBA (Digital Business Automation): Tự động hóa nghiệp vụ bằng công nghệ số, là việc áp dụng công nghệ thông tin nhằm tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, nhằm rút ngắn thời gian, tăng năng suất, giảm chi phí, có thể theo dõi, đánh giá và cải tiến được.

IBM DBA: Bộ giải pháp Digital Business Automation của hãng công nghệ IBM.

2. AI và RPA đang “hot”

RPA và AI đang là 2 trong những từ khóa “hot” trong thế giới công nghệ thông tin thời gian qua. Không khó để thấy hai từ khóa này được nhắc đến ở nhiều bài báo hay diễn đàn, buổi trao đổi về xu hướng công nghệ. Tìm kiếm google cho “RPA” cung cấp hơn 48 triệu kết quả. Thực hiện việc tương tự với từ khóa “Artificial Intelligence” mang về hơn 600 triệu kết quả. Những con số khổng lồ.
Với AI, không cần phải nói quá nhiều để có thể thấy đây đang là một xu hướng phát triển rất mạnh của công nghệ thông tin trên thế giới thời gian qua. Nhiều người đã đùa rằng thế giới đang “phổ cập” AI. Hẳn những người bàng quan nhất với thông tin công nghệ cũng đã từng nghe đến trong vòng vài năm vừa qua những tin về xe tự hành, những hệ hỗ trợ quyết định, chat bot, những hệ thống học máy giúp đưa ra gợi ý sản phẩm dựa trên sở thích và lịch sử giao dịch của người dùng, hay những thông tin hệ thống máy móc chiến thắng con người ở các môn sử dụng trí tuệ,…

Deloitte, một mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp đa quốc gia, trong 2 kỳ khảo sát liên tiếp của mình (2016-2017 và 2018), đã yêu cầu các CIO trên phạm vi toàn cầu xác định xu hướng công nghệ nào mà họ có kế hoạch đầu tư cho tổ chức của mình; kết quả là AI đứng top cả 2 kì khảo sát.  

Riêng về RPA, một người dùng công nghệ thông thường có thể ít nghe về khái niệm này. Tuy nhiên nó không hề xa lạ với những người làm trong mảng phần mềm phục vụ doanh nghiệp, đặc biệt là những người ở vị trí chịu trách nhiệm và có tầm nhìn xây dựng hệ thống phần mềm giúp tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp bằng khả năng tự động hóa. Việc RPA là một xu hướng “hot” không phải là không có bằng chứng. Thật vậy, trong cuộc khảo sát thực hiện riêng về RPA, cũng của Deloitte, năm 2017 trên phạm vi toàn cầu, 64% các tổ chức đã có ứng dụng RPA xác định công nghệ này là một công nghệ chiến lược và cần áp dụng trên phạm vi toàn doanh nghiệp (con số này của 2016 chỉ là 15%). Các doanh nghiệp đã áp dụng RPA ước tính rằng 20% các nghiệp vụ của họ có thể được tự động hóa bằng robot, 86% trả lời rằng RPA đáp ứng kỳ vọng của họ trong việc tăng hiệu suất công việc, 61% đồng ý rằng RPA đáp ứng kỳ vọng của họ về giảm chi phí. 53% những doanh nghiệp được hỏi trả lời rằng họ đã bắt đầu con đường áp dụng RPA của mình. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên thành 72% vào năm 2020. Với đà tăng trưởng này, Deloitte nhận xét rằng trong 5 năm tới RPA sẽ trở thành một công nghệ có mức độ phủ sóng gần như toàn cầu.

3. AI và RPA đối với Digital Business Automation


Chuyển đổi số (Digital transformation) được xác định là một trong những nhân tố chính của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó, digital business automation là một trong những thành phần chính. DBA tập trung vào việc ứng dụng tự động hóa và các nền tảng công nghệ thông tin, nhằm số hóa và tăng cường hiệu suất các quy trình nghiệp vụ, từ đó khiến các nghiệp vụ này dễ dàng thay đổi cho phù hợp với xu hướng thị trường, tăng giá trị mang lại cho khách hàng, rút ngắn thời gian thực hiện,… với mục tiêu chính là tăng lợi nhuận. Nói một cách khác, DBA sử dụng những tiến bộ về công nghệ để tinh giản những quy trình nghiệp vụ phức tạp và cồng kềnh nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh. AI và RPA là những công nghệ hoàn hảo để phục vụ mục đích này.

Hãy cùng tưởng tượng một doanh nghiệp nơi có các nhân lực “robot” giúp làm thay con người những công việc lặp lại vốn tốn nhiều thời gian, những công việc hay được gọi là swivel-chair (ghế xoay - những công việc tương tự như việc tra thông tin ở hệ thống A và nhập vào hệ thống B), hay việc truy xuất các hóa đơn, giấy tờ, chuẩn bị các file excel, nhập liệu,…; một doanh nghiệp nơi mọi quy trình đều được số hóa với các dữ liệu về hiệu suất được ghi lại chi tiết, rồi sử dụng AI để xác định các điểm có thể tối ưu nhằm mang lại lợi thế về thời gian và chi phí; tưởng tượng một ngân hàng nơi người ở vị trí phê duyệt một khoản vay có thể đưa ra quyết định một cách nhanh chóng hơn nhờ thông tin từ AI dưới dạng “Hệ thống hỗ trợ quyết định cho rằng Khoản vay này có thể được phê duyệt với độ tin cậy 95%. Dưới đây là các khoản vay tương tự trong quá khứ: …”, hay một hệ thống AI giúp đưa ra các tài liệu mà người dùng có thể cần đến khi làm việc, thậm chí trước khi chính người này biết đến mình cần nó, hoặc một hệ thống chat bot tích hợp với mọi quy trình có sự tham gia của khách hàng, khiến người dùng có thể hỏi đáp với chat bot bất kỳ khi nào cần nhằm truy vấn thông tin….

Tất cả những lợi ích đó, giúp AI và RPA trở thành những công nghệ cực kỳ phù hợp cho DBA, và là một xu hướng dịch chuyển tất yếu của DBA.

4. IBM không nằm ngoài cuộc

Trung tâm HAS đã nhiều năm tìm hiểu và triển khai thành công các giải pháp DBA cho khách hàng ở Việt Nam, đặc biệt là bộ giải pháp DBA của hãng IBM. Với kinh nghiệm của mình về bộ giải pháp này, người viết cho rằng IBM đã thích ứng rất tốt với xu thế AI và RPA áp dụng vào DBA.

Figure 1 Gartner 12/2018 cho thấy IBM thuộc top dẫn đầu mảng giải pháp Intelligent Business Process Management Suites


IBM với vị thế là một trong những công ty đi đầu về DBA. Với lợi thế xuất phát sớm trong mảng giải pháp DBA từ những năm 2005 với sản phẩm Websphere Process Server, sau đó là việc mua lại bộ sản phẩm BPM được đánh giá đứng đầu thế giới là Teamworks của Lombardi vào năm 2010, cùng với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về AI, là công ty sở hữu Watson - một nền tảng AI được đánh giá rất cao, cộng thêm gần đây là sự hợp tác với Automation Anywhere để đưa giải pháp RPA của hãng này vào bán cùng như là một phần của bản quyền (license) bộ giải pháp IBM DBA, IBM tiếp tục cho thấy sự dẫn trước và bắt kịp xu thế của mình với sự dịch chuyển của DBA. Vậy cụ thể hơn, IBM đã làm gì để cho thấy sự ứng dụng của AI và RPA trong bộ giải pháp DBA của mình:

Về RPA

IBM đã phối hợp với Automation Anywhere, công ty cung cấp giải pháp RPA được Forrester đánh giá thuộc top dẫn đầu trên thế giới nhằm đưa giải pháp RPA của Automation Anywhere vào như một phần của IBM DBA. Khách hàng doanh nghiệp giờ đây chỉ với một license DBA đã có sẵn Automation Anywhere RPA để sử dụng. Khách hàng mua giải pháp RPA của Automation Anywhere cũng sẽ có sẵn một phần các tính năng thuộc bản express của IBM DBA. Điều này cho thấy tham vọng lớn của IBM trong việc chiếm lĩnh thị trường RPA, cũng như thể hiện tầm nhìn của IBM với việc RPA là một phần tất yếu của DBA, là một sự dịch chuyển mà mọi khách hàng của IBM DBA đều hướng tới.

Figure 2 Automation Anywhere được Forrester đánh giá thuộc top dẫn đầu mảng giải pháp RPA

Về AI

Với kinh nghiệm lâu năm về AI, không khó để IBM có định hướng đưa AI ứng dụng vào DBA. Trong năm 2019, khi phát hành (release) phiên bản mới của DBA, IBM đã mô tả Business Automation Platform của mình như sau:


Dễ dàng để thấy Analytics, Machine learning và AI đã trở thành một phần nền tảng, cung cấp các tính năng liên quan đến Operational Intelligence. Trong sự kiện IBM Faststart được tổ chức tại Singapore, nơi HAS được IBM mời tới dự với tư cách Business Partner, IBM đã chia sẻ cụ thể:

- Bộ DBA phiên bản Multicloud có thêm một cấu phần IBM Digital Business Automation Insight. GIải pháp này bao gồm một datawarehouse được thiết kế với kiến trúc phù hợp với machine learning, cũng như bao gồm các công cụ xây dựng báo cáo dựa trên data warehouse này. Nhờ vậy khách hàng DBA Multicloud giờ đây có thể có một nguồn thông tin để hoặc là sử dụng cho các thuật toán học máy tự xây dựng, hoặc dùng các công cụ xây báo cáo được cung cấp sẵn để dựng nên các báo cáo có ý nghĩa, cung cấp cho người dùng và người quản trị cái nhìn toàn cảnh về hệ thống, từ đó đưa ra quyết định phù hợp. Data warehouse này cũng là nền tảng để sử dụng với các dịch vụ AI khác của IBM xây dựng trên Watson Platform.

- Nhằm cung cấp dữ liệu cho data warehouse nói trên, tất cả các sản phẩm khác nằm trong bộ IBM DBA như IBM BPM (tên gọi mới IBM Automation Workflow), IBM Filenet, IBM ODM, IBM Datacap, đều sẽ được xây dựng khả năng theo dõi, bắt và đẩy các dữ liệu hoạt động vào DBA Insight. Lấy ví dụ các quy trình chạy trên BPM sẽ có thể được theo dõi (track) các thông tin hiệu suất hoặc các dữ liệu nghiệp vụ khác (ví dụ số tiền trong các giao dịch cho vay,…), hoặc các quy tắc nghiệp vụ (business rule) trên IBM ODM sẽ được track số lần chạy, xu hướng kết quả (ví dụ các thông tin như tỷ lệ khoản vay được duyệt với số tiền lớn hơn 1 tỷ đồng,…), tương tự với các thông tin theo dõi về tình trạng lưu trữ tài liệu từ IBM Filenet và IBM Datacap,… Mọi thông tin này sau khi được ghi lại tại data warehouse của DBA Insight cung cấp khả năng vô tận cho việc tạo các báo cáo có ý nghĩa, hoặc xây dựng các thuật toán học máy nhằm dự đoán tình huống xảy ra trong tương lai, hoặc hỗ trợ đưa ra quyết định, tối ưu quy trình, tối ưu lưu trữ, tối ưu quy tắc nghiệp vụ,…

- IBM dự tính tiếp tục xây dựng các tính năng AI mạnh hơn đưa vào DBA trong tương lai, dựa trên nền tảng AI Watson của mình.

Như vậy có thể thấy IBM đã có sự chuẩn bị từ lâu dành cho xu hướng dịch chuyển sử dụng RPA và AI trong DBA, và đang từng bước hiện thực hóa xu hướng này một cách mạnh mẽ bằng bộ sản phẩm IBM DBA của mình.

5. Các thách thức

Đương nhiên không con đường nào trải sẵn đầy hoa hồng mà không có gai. AI và RPA mang lại những lợi ích và tiềm năng không giới hạn cho Business Automation, tuy nhiên cũng mang đến những thử thách.

Hẳn chúng ta đều biết xe tự hành đã được nghiên cứu và phát triển từ lâu. Google thậm chí đã có xe tự hành đi được hàng triệu km thử nghiệm. Tuy nhiên hành trình cho đến ngày đưa vào ứng dụng sử dụng thực tế còn tương đối xa, bởi các rào cản về đạo đức và pháp luật. Hãy cùng suy nghĩ về bài toán xe tự hành gây tai nạn chết người, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả đó, người ngồi trong xe hay hãng đã lập trình ra chiếc xe? Hoặc bài toán về đạo đức, khi chiếc xe thấy tình huống có thể gây tai nạn, liệu nó nên xử lý theo mục đích cứu người ngồi trong xe nhưng có rủi ro gây thiệt mạng cho những người xung quanh, hay cứu những người xung quanh và gây hại cho người trong xe?

Những vướng mắc tương tự về đạo đức và luật pháp có thể xảy ra với AI trong Business Automation. “khoản vay của quý vị bị từ chối vì AI của chúng tôi tư vấn như vậy” là một câu trả lời khó chấp nhận đối với khách hàng của một ngân hàng. Tương tự như vậy, nếu được thiết kế không tốt, việc ứng dụng AI trong mọi quy trình nghiệp vụ có thể gây ra các lỗ hổng, sự thiếu minh bạch, và vi phạm về luật pháp.

Một khó khăn nữa đối với việc áp dụng AI và RPA vào Business automation, mặc dù khó khăn này không dành riêng cho AI và RPA, đó là phải nâng cao trình độ người sử dụng. Mặc dù nghe có vẻ ngược, khi công nghệ sinh ra là để hỗ trợ người dùng, khiến người dùng hoàn thành công việc một cách dễ dàng hơn; tuy nhiên hoàn toàn dễ hiểu rằng người dùng thực ra lại phải có trình độ cao hơn mới có thể ứng dụng được công nghệ. Microsoft Word chỉ giúp bạn dễ dàng tạo ra văn bản có format đẹp hơn, chứ không tự sinh ra văn bản giúp bạn, thậm chí còn yêu cầu bạn phải học thêm kỹ năng sử dụng Word. Điều tương tự áp dụng với các công nghệ trong Business Automation nói chung, AI và RPA nói riêng.

Cuối cùng, là đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự thích ứng. Business Automation vốn có triết lý “continuous improvement” (luôn luôn tiến bộ). Mục đích của chuyển đổi số là nâng cao hiệu suất và năng lực cạnh tranh, và vì thế không có gì đảm bảo khả năng cạnh tranh nếu doanh nghiệp vẫn đứng im một chỗ. Đồng thời với việc áp dụng RPA và AI, doanh nghiệp cần phải có sự thích ứng. Quy trình cần phải được tối giản, con người cần phải làm việc minh bạch hơn, nhanh chóng hơn, các “bot” RPA sẽ thay thế con người, sẽ có nhân sự bị đào thải,…. Tất cả những sự thay đổi đó, doanh nghiệp cần phải sẵn sàng thích ứng, giống như mọi sự tiến bộ khác của cách mạng công nghiệp 4.0.

Hoàng Công Tuấn Anh - Trung tâm Giải pháp và Dịch vụ Phần mềm HPT

Tham khảo:
https://www2.deloitte.com/content/dam/insights/us/articles/4774_CIO-survey/DI_CIO-survey-2018.pdf
https://www2.deloitte.com/insights/us/en/topics/leadership/global-cio-survey-2016.html
https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/us/Documents/process-and-operations/us-cons-global-rpa-survey.pdf