Xây dựng tổ chức sáng tạo - Con đường tất yếu

Đinh Hà Duy Linh

Tổng Giám đốc Công ty HPT

Chưa bao giờ, chưa lúc nào mà lĩnh vực công nghệ nói chúng và công nghệ thông tin nói riêng chứng kiến nhiều sự thay đổi nhanh chóng đến như vậy. Ngày hôm qua, một công ty có thể đang lẫy lừng, vô đối thì ngày hôm nay có thể đang oằn lưng xoay sở để tồn tại, ngày hôm qua, một người có thể đang là một chàng sinh viên chưa mấy ai biết đến thì ngày hôm nay có thể đã vụt sáng thành tỷ phú công nghệ (thông tin).

Cái gì đã làm nên sự khác biệt, sự thay đổi đó? Câu trả lời rất rõ ràng: đó là sự sáng tạo. Tất nhiên, tạm bỏ tính chính xác của ngữ nghĩa (ngay cả tiếng Anh cũng khó mà phân biệt innovation, invention, creation,...), chúng ta hiểu (trong phạm vi chủ đề đang đề cập) sáng tạo nghĩa là:

+  Thực hiện một vấn đề cũ theo cách mới hoặc là

+  Tạo ra một vấn đề mới

trong lĩnh vực công nghệ thông tin của chúng ta, sáng tạo liên quan chủ yếu đến những sản phẩm - giải pháp công nghệ và những chiến lược, phương pháp kinh doanh nhằm tạo ra hiệu quả cao hơn về thương mại cũng như ứng dụng. Điều quan trọng trong thời kỳ mà công nghệ thay đổi nhanh chóng như hiện nay là: nếu trước đây, nhu cầu cuộc sống thường là cái có trước để phát kiến ra những giải pháp công nghệ đáp ứng nhu cầu đó nhưng ngày nay, trật tự đó đã diễn ra ngược lại nhiều hơn: những phát kiến về công nghệ đã tạo ra những nhu cầu mới, thị trường mới, người dùng mới. Hãy nhìn câu chuyện của iPhone như là một ví dụ điển hình!

Nhìn ra thế giới, thực tế trong thời gian gần đây đã chứng minh quá rõ ràng sức mạnh của sự sáng tạo trong việc cạnh tranh trên thị trường công nghệ. Ai có thể nghĩ trước được (chắc trừ Steve Jobs và cộng sự) sự thành công kinh ngạc của iPhone, iPad (những sản phẩm đã quá nhiều đại gia đi trước rồi) mà về bản chất ban đầu chỉ có một thay đổi quan trọng: giao diện (mà lịch sử Apple cũng thành công nhờ những sáng kiến về giao diện đồ họa và chuột (GUI and mouse), vòng xoay chạm (click wheel) và cảm ứng đa điểm (multi touch)): phát kiến trên iPhone là cảm ứng đa điểm! Ai sẽ nghĩ là Google sẽ  phát triển hệ điều hành cho điện thoại di động (không đi kèm phần cứng của họ) mà đánh bật cả những đại gia từng làm mưa làm gió trên thị trường như Symbian, Windows Mobile? Ai sẽ nghĩ là một trò chơi Angry Birds chỉ tốn có vài trăm nghìn USD để phát triển, mỗi bản chỉ bán vài USD mà doanh thu lên đến con số hàng triệu USD và liên tục đứng đầu bảng trò chơi được mua nhiều nhất trên App Store? Ai nghĩ chàng sinh viên năm 02 của Đại học Harvard (mà tên gọi thậm chí rất khó đọc, khó nhớ Mark Zuckerberg) chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm (từ năm 2003) trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới với một sản phẩm trên Internet thu hút hàng trăm triệu người (Facebook)? Ai sẽ nghĩ rằng, đế chế Microsoft đến ngày phải lao đao, tả xung hữu đột để mong chặn bước tiến của Apple, Google và thậm chí là Facebook và còn nhiều nữa....Ai sẽ nghĩ được Oracle mua Sun và triển khai chiêu thức “giết nhầm hơn bỏ sót” bằng tuyên bố “nghỉ chơi” Itanium đồng nghĩa với chia tay HP-UX? Và còn quá nhiều chuyện tương tự như vậy nữa đang diển ra hàng ngày, hàng giờ trên thế giới? Tất cả rõ ràng đều có một điểm chung: sự sáng tạo (cho dù ở một vài chỗ, sự sáng tạo và chiêu thức, thủ đoạn thật khó mà phân định ranh giới (trường hợp Oracle với HP chẳng hạn)!

Đó là chuyện bên ngoài, trong nước thì sao? Có vẻ những trường hợp điển hình chưa được nhiều như thế vì thật sự vấn đề lớn nhất là người Việt nam còn quá non trẻ trong lĩnh vực công nghệ và cả những vấn đề có liên quan khác. Nhưng cũng không phải là không có những trường hợp đáng quan tâm. Hãy nghiên cứu về tập đoàn VTC để hiểu rõ hơn tại sao họ tăng trưởng 200% mỗi năm trong mấy năm liên tục. Hãy nghiên cứu về VinaGame (VNG) để biết tại sao họ thống lĩnh các ứng dụng nội dung số trên Internet (từ gameonline, nhạc số, thương mại điện tử, mạng xã hội) cho dù hiệu ứng (tốt hay xấu) của những dịch vụ này còn nhiều tranh cãi! Nhưng với cá nhân tôi, tôi ấn tượng nhất là công ty TOSY, công ty Việt Nam đầu tiên và duy nhất hiện tại xuất khẩu robots (người máy) ra nước ngoài, cạnh tranh với các nước phát triển và cả ông lớn mới nổi là Trung Quốc! Cái gì làm nên thành công cho họ nếu không có sự sáng tạo!

Vậy chúng ta suy nghĩ và hành động gì? Là người HPT, bạn có sốt ruột và trăn trở không?

Bản sắc “phần mềm và dịch vụ” HPT là bản chất của sự sáng tạo

Năm 2011, Ban Tổng Giám đốc, được sự chấp thuận của Hội đồng Quản trị đã xác định khẩu hiệu hành động cho năm 2011 là năm khẳng định “Bản sắc phần mềm và dịch vụ HPT”. Có thể, phần mềm và dịch vụ không phải là một chủ đề mới, không phải chỉ có chúng ta nghĩ đến và thực hiện. Vấn đề quan trọng là ở HPT, chúng chưa đóng một vai trò chủ đạo, chưa thật sự là một hoạt động (cả về vấn đề chuyên môn lẫn kinh doanh) mạnh mẽ, chưa là một nhân tố tạo sự khác biệt, chưa đóng góp lớn vào hiệu quả của công ty, chưa đi vào ý thức và hành động của từng cán bộ nhân viên HPT và còn nhiều điều “chưa” khác có liên quan!

Là công ty về công nghệ chúng ta có gì? Là thành viên của công ty HPT bạn có gì? Chắc còn lâu lắm chúng ta mới có những sản phẩm công nghệ mà người tiêu dùng phải xếp hàng chờ được cầm trên tay, còn lâu lắm chúng ta mới có những giải pháp của riêng mình dành cho  khách hàng tổ chức, doanh nghiệp  và có khả năng cạnh tranh với những đối thủ lớn! Vậy chúng ta có gì? Chúng ta tồn tại và phát triển bằng cốt lõi gì?

Câu trả lời rất rõ ràng và đơn giản: chúng ta tồn tại bằng giá trị tri thức và giá trị gia tăng mà cụ thể đó là dịch vụ (về phần cứng, phần mềm có sẵn của đối tác) và những sản phẩm phần mềm đủ tầm và phù hợp với thị trường trong nước. Chúng ta phải tư duy về sự cạnh tranh, về phương thức kinh doanh trên nền tảng của giá trị cố lõi và giá trị thực của mình hơn là bằng phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố khách quan.

Cho nên, con đường duy nhất mà chúng ta phải theo đuổi một cách quyết liệt đó là: xây dựng một tổ chức sáng tạo: sáng tạo những giá trị dịch vụ thật sự có ý nghĩa, sáng tạo những phần mềm triển khai ứng dụng rộng rãi, sáng tạo phương thức kinh doanh, sáng tạo trong điều hành và quản trị.

Chúng ta đã có hơn 16 năm phát triển, chúng ta đã có những thành công, có những dịch vụ giá trị riêng. Riêng phần mềm tự phát triển thì vẫn còn phải tiếp tục nỗ lực rất nhiều. Nhưng đây là thời điểm mà chúng ta cần đúc kết lại, cần đưa hoạt động dịch vụ và phần mềm ở một yêu cầu mới, cách làm mới và phải nhất định đạt được kết quả. Muộn còn hơn không bao giờ! Bài học từ thế giới đến trong nước như điểm qua ở trên cho chúng ta kinh nghiệm rằng không có gì là quá muộn nếu cái mà chúng ta sẽ có còn tốt hơn cả những cái đang có khác!

Chúng ta phải làm như thế nào?

Chúng tôi nghĩ sẽ thực hiện việc xây dựng tổ chức sáng tạo qua những bước như sau:

+  Quân lệnh

+  Chính sách

+  Truyền thông

+  Ý thức

+  Hành động

+  Kết quả

+  Bản chất

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên, Ban Lãnh đạo công ty phát động, đề ra chương trình hành động về dịch vụ, phần mềm hay rộng hơn là sáng tạo nói chung. Nhưng thực sự, kết quả thu được và mạnh mẽ hơn nữa là trở thành một bản chất trong tư duy và hành động của chúng ta. Vì vậy, chúng tôi nghĩ điều đầu tiên phải làm là phải có sự thống nhất chỉ đạo và triển khai toàn diện trong công ty. Và để đẩy sức “ì” vốn có của chúng ta thì phải xem sự chỉ đạo này là “Quân lệnh”, không phải “đầu voi đuôi chuột” hay “hô khẩu hiệu”, bất kỳ cá nhân nào, nhất là cấp quản lý không ủng hộ chủ trương này thì phải xử lý triệt để!

Công việc tiếp theo cũng là tất yếu, là xây dựng những chính sách để vừa khuyến khích, động viên những thành viên có thành tích, có đóng góp rõ ràng cho việc này cũng như vừa tạo được một nền tảng lâu dài cho vấn đề này trong toàn công ty. Bên cạnh đó, chính sách cũng cần đánh giá được mức độ hiệu quả của việc triển khai vấn đề này một cách thường xuyên.

Làm sao để việc triển khai công tác này đến được từng thành viên của công ty (như đã nói từ suy nghĩ đến việc làm hàng ngày) thì công tác tuyên truyền, truyền thông nội bộ là cực kỳ quan trọng nhằm chia sẻ, trao đổi, tuyên truyền, chuyển tải những thông tin, ư kiến, chính sách, t́nh h́nh thực tế của việc triển khai chương trình này. Thẳng thắn mà nhìn nhận, trong những năm vừa qua, các kênh truyền thông nội bộ chúng ta đã phát huy tốt vai trò là diễn đàn trao đổi của công ty nhưng chưa phục vụ một cách thường xuyên, đồng bộ các chủ trương và định hướng chiến lược quan trọng của công ty và quan trọng là duy trì nó một cách thường xuyên. Vấn đề này sẽ được cải tiến trong thời gian tới.

Ba bước tiếp theo là những kết quả tất yếu và biểu hiện cụ thể của công việc này: thay đổi từ nhận thức sẽ biến thành ý thức, thành hành động và đem lại những kết quả cụ thể. Vấn đề của hệ thống quản trị chúng ta là phải đo lường, đánh giá, giám sát và duy trì công việc này trong suốt quá trình hoạt động của công ty. Một điều chắc chắn sẽ được nhiều người đặt ra là: vậy sáng tạo là gì? là như thế nào? Làm gì để gọi là sáng tạo? .... Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi các vấn đề này trong những số tiếp theo và cũng trân trọng kêu gọi sự đóng góp ý kiến, chia sẻ quan điểm của toàn thể cán bộ nhân viên công ty!

Điều mong muốn sau cùng, lớn nhất và quan trọng nhất là sáng tạo sẽ trở thành bản chất của HPT, của con người HPT. Một lần nữa, chúng tôi ý thức và tin tưởng mạnh mẽ rằng Sáng tạo (tôi muốn viết hoa ở đây) là con đường tất yếu để phát triển và cho sự tồn vong của chúng ta. Ngay từ hôm nay, hãy tự đặt câu hỏi cho chính bạn: chúng ta sẽ làm gì để đóng góp vào chiến lược này của công ty, vào chính công việc hàng ngày của mình, hãy tự hỏi bằng cả trái tim và lý trí của mình!