Một góc nhìn mở về bản quyền phần mềm

Việt Nam đã nhiều năm đứng trong danh sách “đen” của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) về tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm quá cao. Ngay sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều động thái tích cực để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm, trong đó đáng kể nhất là việc mua bản quyền phần mềm của Microsoft để trang bị cho các cơ quan Nhà nước. Thời gian trôi qua, câu chuyện “nguồn mở” hay “nguồn đóng” vẫn đang tiếp diễn và chưa có hồi kết. Nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng cần phải cân nhắc kỹ hơn nữa câu chuyện mua bản quyền phần mềm, đặc biệt là cho khối các cơ quan Nhà nước. Thậm chí có ý kiến khẳng định không nhất thiết phải tốn tiền mua bản quyền khi đã có phần mềm mã nguồn mở.

Để rộng đường dư luận, Tạp chí Tài chính điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hà Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT về góc nhìn của một doanh nghiệp đối với “câu chuyện” phần mềm bản quyền” ở Việt Nam.

PV: Hiện vẫn còn không ít tranh cãi về việc nên mua phần mềm có bản quyền hay nên sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong khối các cơ quan Nhà nước.  Có ý kiến cho rằng với đặc thù của ngành Tài chính là chưa có nhiều phần mềm mã nguồn mở chuyên dụng phục vụ cho ngành thì việc mua bản quyền là tất yếu. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Đinh Hà Duy Linh: Tôi nghĩ rằng không nên tranh luận về phần mềm bản quyền và phần mềm mã nguồn mở nữa vì sẽ chẳng đi đến ngã ngũ được là bên nào tốt hơn hay ưu thế hơn. Hơn nữa, thực tế trên toàn thế giới, cả 2 loại phần mềm ấy đều tồn tại song song, đều có những chỗ đứng của mình thì chắc ở Việt Nam cũng không có gì quá khác biệt. Mỗi loại sẽ phù hợp với mục đích, yêu cầu và đặc thù ứng dụng khác nhau.

Việc ứng dụng phần mềm nếu xét ở góc độ về đầu tư thì những nội dung sau đây rất quan trọng bên cạnh chi phí (nếu có) của bản quyền. Đó là chi phí tích hợp vào hệ thống chung; chi phí hiệu chỉnh (customization); chi phí đào tạo; chi phí bảo trì, nâng cấp; chi phí nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Những phần việc đó có thể thực hiện bởi nhà sản xuất hay đơn vị cung cấp, triển khai (tất nhiên có những trường hợp nhà sản xuất cũng là đơn vị triển khai). Đối với những hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin qui mô lớn, phức tạp thì cần phải xem xét toàn diện những công việc (và tương ứng là chi phí) để đầu tư phần mềm. Thực tế đã cho thấy không ít trường hợp, việc sản xuất ra phần mềm để giải quyết nhu cầu ngay lúc đó thì thực hiện được nhưng nhà sản xuất không đủ chi phí để tiếp tục duy trì sản phẩm dẫn đến sự lãng phí cho khách hàng và thất bại cho nhà sản xuất.

Tóm lại, chúng tôi nghĩ rằng, việc quyết định lựa chọn “mở” hay “không mở” tùy thuộc vào nhiều yếu tố và cần tính đúng, tính đủ chứ không chỉ căn cứ trên một tiêu chí là “mở” hay “không mở”!

PV: Theo ông, việc mua bản quyền phần mềm theo gói lớn có khó khăn và thuận lợi gì?

Ông Đinh Hà Duy Linh: Về khó khăn, tất nhiên trước hết là kinh phí đầu tư và từ đó là những vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, việc đầu tư theo gói lớn sẽ đòi hỏi vấn đề nghiên cứu khảo sát, lên yêu cầu trang bị, triển khai, nghiệm thu phức tạp hơn rất nhiều, cần phối hợp nhiều bộ phận, đơn vị khác nhau với những đặc thù riêng, đòi hỏi cả chủ đầu tư và đơn vị cung cấp, triển khai phải hiểu thật rõ nhu cầu, yêu cầu và có năng lực quản trị dự án, năng lực chuyên môn vững vàng. Việc lựa chọn nhà cung cấp, triển khai cũng sẽ  đòi hỏi nhiều tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm cao hơn, toàn diện hơn.

Thuận lợi lớn nhất là với những dự án theo gói lớn, chính sách hỗ trợ của các hãng sản xuất dành cho khách hàng sẽ ở mức rất cao từ vấn đề về giá cả, đến các dịch vụ cộng thêm như tư vấn, đánh giá, tinh chỉnh hệ thống, đề xuất kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, tính an toàn, khả năng mở rộng của hệ thống, dịch vụ bảo trì, xử lý sự cố, nâng cấp miễn phí, các khóa đào tạo cụ thể, thiết thực trong và ngoài nước... Các dịch vụ này thường sẽ có các chuyên gia của hãng trực tiếp tham gia mà thông thường chi phí thuê dịch vụ này cũng không nhỏ. Bên cạnh đó, việc đầu tư bản quyền theo gói sẽ giúp cho chủ đầu tư tạo được sự đồng bộ cả về kỹ thuật lẫn ứng dụng. Tính đồng bộ này rất quan trọng để công tác quản trị, giám sát được thuận lợi hơn. Việc đánh giá hiệu quả, đánh giá khả năng đáp ứng và khả năng mở rộng của hệ thống sẽ có cơ sở tốt hơn, đầy đủ hơn. Từ đó, giúp cho nhà quản lý của khách hàng khi hoạch định chiến lược tổng thể về ứng dụng phần mềm sẽ có cách nhìn toàn diện hơn và có nhiều thông tin tham khảo hơn.

PV: Theo đánh giá của Bộ Thông tin & Truyền thông cùng nhiều tổ chức khác thì trong số các Bộ, ngành ở Việt Nam, Bộ Tài chính luôn ở top đầu bảng về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin – truyền thông. Với góc nhìn của một doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về sự tuân thủ bản quyền phần mềm của Bộ Tài chính?

Ông Đinh Hà Duy Linh: Chúng tôi chưa có điều kiện để có thể đưa ra một đánh giá đầy đủ nhất về tuân thủ bản quyền của Bộ Tài chính. Trong phạm vi những dự án và sự hợp tác với Bộ trong các công việc cụ thể, chúng tôi rất trân trọng và đánh giá cao sự tuân thủ bản quyền phần mềm của Bộ Tài chính, nhất là những bản quyền phần mềm quan trọng về hệ thống như Microsoft, Oracle,.. đến các phần mềm ứng dụng.

Trong những năm qua, Bộ Tài chính đã đầu tư rất mạnh mẽ về bản quyền phần mềm để phục vụ cho các ứng dụng nghiệp vụ của ngành. Một điều cũng rất quan trọng là chính từ nhu cầu đầu tư cùng với đó là các yêu cầu về chuyên môn, về năng lực triển khai mà các công ty công nghệ thông tin trong nước đã trưởng thành lên rất nhiều thông qua việc đáp ứng các yêu cầu này.

Chúng ta có thể thấy rất rõ, đa số các dự án lớn (về phần mềm bản quyền) hiện nay của Bộ Tài chính là do các công ty trong nước thực hiện. Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nghĩ rằng những khách hàng như Bộ Tài chính là cơ hội tốt để các công ty công nghệ thông tin trong nước vươn lên, mạnh dạn đầu tư nguồn lực, đầu tư vào nghiên cứu công nghệ, giải pháp và nghiệp vụ để có thể trờ thành những doanh nghiệp “mạnh về công nghệ thông tin”, góp phần đưa Việt Nam thành một quốc gia “mạnh về công nghệ thông tin”.

PV: Là một doanh nghiệp được xem như "cầu nối" giữa các doanh nghiệp cung cấp phần mềm có bản quyền như Oracle,…cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam,   HPT có những thuận lợi gì trong việc "kích cầu" sử dụng bản quyền phần mềm tại Việt Nam, đặc biệt là khối các cơ quan Nhà nước?

Ông Đinh Hà Duy Linh: Qua hơn 16 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, HPT vẫn tiếp tục tập trung vào định hướng cốt lõi là cung cấp các dịch vụ và giải pháp công nghệ thông tin theo những chuẩn mực quốc tế. Chúng tôi xem việc hợp tác với các hãng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới là chiến lược quan trọng để thực thi định hướng nói trên. Các hãng này không chỉ là nhà sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin mà còn là những nhà phát minh các công nghệ, giải pháp (trong trường hợp này là phần mềm). HPT hiện tại là đối tác cao cấp của các hãng hàng đầu trong lĩnh vực này như Microsoft, Oracle, HP, IBM, SAS,...

Thuận lợi lớn nhất có được từ sự hợp tác này chính là sự tiếp cận, học hỏi những sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Chúng tôi cũng học tập các kinh nghiệm của họ về tư vấn, triển khai cho các khách hàng trong từng lĩnh vực trong đó có lĩnh vực quản lý Nhà nước. Các hãng này cũng đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu phát triển để đổi mới công nghệ, nâng cấp sản phẩm nhờ tiềm lực về tài chính, con người thông qua kết quả kinh doanh trên toàn thế giới. Là đối tác cao cấp, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ cao nhất của hãng về chuyển giao công nghệ, đào tạo, phối hợp trong công tác kinh doanh, phát triển thị trường. Chính nhờ những yếu tố này, chúng tôi có thể tìm ra được sản phẩm, giải pháp phù hợp nhất để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng nói chung và của khối cơ quan Nhà nước nói riêng. Bên cạnh việc giới thiệu các sản phẩm, giải pháp theo nhu cầu hiện tại của khách hàng, cùng với sự phối hợp của hãng, chúng tôi còn có thể giới thiệu những sản phẩm, giải pháp bổ sung cũng như phục vụ cho nhu cầu trong tương lai.  Là đối tác cao cấp, chúng tôi cũng có điều kiện để yêu cầu hãng cung cấp chính sách hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng về tài chính cũng như kỹ thuật. Điều đó, góp phần tạo cho khách hàng có nhiều lợi ích hơn và thuận lợi hơn trong đầu tư phần mềm bản quyền.

PV: Vậy còn khó khăn thì sao, thưa ông?


Ông Đinh Hà Duy Linh: Khó khăn lớn nhất và quan trọng nhất là vấn đề nguồn lực. Đối với đối tác, chúng tôi phải đầu tư đào tạo nguồn lực theo những tiêu chuẩn chung trên toàn cầu. Chi phí đầu tư này là đáng kể và rủi ro cao khi có biến động nhân sự. Đối với khách hàng, chúng tôi phải có những chuyên gia không chỉ giỏi về lý thuyết, có nhiều bằng cấp chứng chỉ mà còn phải hiểu rõ bài toán, các yêu cầu của khách hàng, thậm chí phải có khả năng tư vấn, xây dựng giải pháp phù hợp, tối ưu nhất và nhất là năng lực triển khai thành công dự án. Ở HPT, chẳng hạn, riêng trong lĩnh vực về giải pháp Oracle chúng tôi đã đầu tư hàng chục năm qua từ đào tạo theo chương trình của hãng đến chuyên môn nghiệp vụ, trực tiếp tham gia vào các dự án lớn để đến hôm nay chúng tôi có những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu ngày một cao của khách hàng, việc tìm kiếm bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cao (có tri thức và kỹ năng) vẩn là một vấn đề không dễ dàng  đối với chúng tôi trong tình hình nhân lực chung ở Việt Nam hiện tại.

Khó khăn tiếp theo là sự cạnh tranh, sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam rất khốc liệt. Để có thể “kích cầu” sử dụng bản quyền phần mềm tại Việt Nam, chúng tôi không chỉ phải làm tốt vấn đề đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, thuyết phục được hiệu quả khi sử dụng phần mềm bản quyền mà còn phải chứng minh năng lực thật sự với hãng sản xuất. Mỗi hãng sản xuất đểu có nhiều đối tác trong nước, ngoài sự cạnh tranh giữa các hãng còn là sự cạnh tranh giữa các đối tác trong nước của cùng một hãng. Chính sách chung của hãng là đối tác phải chứng minh có đủ năng lực để cung cấp, triển khai, có đầy đủ nguồn lực để thực hiện dự án. Nghĩa là chúng tôi phải thực hiện tốt 2 công việc cùng lúc trong hoạt động kinh doanh này.

Khó khăn tiếp theo mà chúng tôi nghĩ cũng đã được đề cập đến nhiều, đó là nhận thức về vấn để sử dụng bản quyền phần mềm tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi rất tin tưởng rằng vấn đề này đã và đang được cải thiện ngày một tốt hơn, đặc biệt là với sự đi đầu của khối cơ quan nhà nước mà Bộ Tài chính là một điển hình tiêu biểu nhất.

Một khó khăn nữa, đặc biệt là đối với khối cơ quan Nhà nước, nếu việc đưa ra yêu cầu chọn lựa đơn vị cung cấp, triển khai không đầy đủ, chỉ xét trên tiêu chí thuần túy về giá bản quyền mà chưa tính đến các yếu tố về năng lực, các chi phí có liên quan khác thì thật sự là chưa đầy đủ. Bởi vì như chúng tôi đã chia sẻ, việc triển khai các dự án phần mềm còn nhiều công việc khác nữa và đơn vị cung cấp, triển khai phải đủ khả năng đi cùng khách hàng trong suốt quá trình khai thác, ứng dụng phần mềm đó.

PV: Cảm ơn ông vì những chia sẻ cởi mở và thú vị.


Ông Đinh Hà Duy Linh:
Xin cám ơn Tạp chí Tài chính Điện tử đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này. Chúc Tạp chí luôn là người bạn đồng hành tin cậy của đội ngũ tin học tài chính nói riêng và tất cả những ai quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách có hiệu quả vào ngành Tài chính nói chung.

Mới đây, Công ty HPT đã tổ chức lễ bàn giao bản quyền phần mềm sản phẩm Oracle cho Bộ Tài chính bao gồm Giấy chứng nhận bản quyền được cung cấp bởi chính hãng Oracle; Số tài khoản chủ Customer Service Identificator (CSI) và bộ đĩa.

Các sản phẩm phần mềm Oracle có bản quyền được bàn giao cho ngành Tài chính bao gồm: Phần mềm quản trị CSDL Oracle Database và các Option về tính năng sẵn sàng cao (clustering), chẩn đoán về hiệu chỉnh hiệu suất hoạt động database (diagnostic pack, tuning pack), quản trị thay đổi (change management), quản trị cấu hình (configuration management); Phần mềm lớp giữa: Internet Application Server, WebLogic Server và các gói quản trị, chẩn đoán lỗi cho phần mềm lớp giữa; Phần mềm quản trị nội dung Content Management.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết: “Đối với ngành Tài chính, bên cạnh sản phẩm của Microsoft, từ năm 1998 các sản phẩm Oracle đã được ngành Tài chính nghiên cứu, phân tích, đánh giá và sử dụng thống nhất trong việc xây dựng, triển khai các phần mềm ứng dụng quan trọng của ngành. Cho đến nay, các sản phẩm Oracle đều được đánh giá cao do có tính ổn định, bảo mật và khả năng lưu trữ lớn. Với vai trò và ưu thế khi sử dụng sản phẩm Oracle có bản quyền, Bộ Tài chính quyết định triển khai mua sắm tập trung bản quyền các sản phẩm Oracle cho các đơn vị hệ thống thuộc Bộ để có được các chính sách ưu đãi lớn của hãng Oracle về giá, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật đồng thời để triển khai đồng bộ, thống nhất bản quyền sản phẩm Oracle trong toàn ngành”.