Bản sắc doanh nghiệp quan trọng như doanh thu!

Là một đơn vị xác định sẽ kinh doanh ở mảng dịch vụ công nghệ ngay từ ngày đầu thành lập, suốt chiều dài 16 năm phát triển của mình, HPT đã chứng minh định hướng này hoàn toàn đúng đắn, với một quốc gia kế thừa chứ chưa  phải phát kiến công nghệ như Việt Nam hiện nay. Ông Đinh Hà Duy Linh, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT có buổi chia sẻ với báo Doanh Nhân Sài Gòn về chiến lược của HPT.

Phóng viên: Ảnh hưởng từ giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua, không ít đơn vị hàng đầu trong ngành Công nghệ thông tin (CNTT) sụt giảm doanh thu trầm trọng, đến mức phải sa thải nhân viên. Theo ông, nguyên nhân nào giúp HPT là một trong số các đơn vị vượt qua được khó khăn  này?

Ông Đinh Hà Duy Linh: Dịch vụ công nghệ tin học là một ngành nghề khá đặc thù. Cung cấp dịch vụ cho các cơ quan, doanh nghiệp chúng tôi thường làm việc theo dự án. Có những dự án kéo dài suốt 2, 3 năm nên HPT không chịu tác động tức thời. Đó chính là lý do giai đoạn khó khăn vừa qua, dù xu hướng chung của thế giới là cắt giảm chi phí nhưng chúng tôi vẫn ít bị ảnh hưởng.

Như các doanh nghiệp khác trong thời kỳ khủng hoảng, chúng tôi cũng tăng cường các công tác quản trị, kiểm soát hiệu quả chi phí, mạnh dạn cắt giảm những mảng kinh doanh không hiệu quả, tập trung hơn nữa về công tác chuyên môn, nhất là những công việc đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ, trình độ và tri thức chuyên sâu.

Mặt khác, chúng tôi cũng tập trung cao độ vào những thị trường mà đầu tư CNTT là bắt buộc để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ, kinh doanh. Có thể, khủng hoảng kinh tế khiến chủ đầu tư chọn lọc nhiều hơn (cả về sản phẩm, giải pháp lẫn đối tác) nhưng không thể cắt giảm hoàn toàn chi phí cho CNTT. HPT phải có năng lực đáp ứng những yêu cầu khắt khe như vậy của khách hàng!

Nói như vậy, nghĩa là thành công của HPT chủ yếu nhờ lợi thế thịtrường?


Chưa hẳn! Mỗi thành công đều có yếu tố của cơ hội. Thị trường nhiều cơ hội là một chuyện. Nắm bắt được cơ hội hay không lại là chuyện khác. Ngay từ những ngày đầu, HPT đã xác định dịch vụ công nghệ là hoạt động quan trọng tạo nên sự khác biệt nên đã đầu tư từ sớm hệ thống cơ sở hạ tầng, máy chủ, hợp tác  với các đối tác lớn như HP, Cisco IB, Oracle, Microsoft… và nhất là đầu tư  chuyện môn cho đội ngũ nhân lực. Nhờ vậy mà giai đoạn bùng nổ nhu cầu CNTT hiện nay của các cơ quan, doanh nghiệp… HPT mới có thể giữ được lợi thế cạnh tranh của mình..

Nhưng rất nhiều người quan niệm, làm dịch vụ thì mãi mãi chỉ là người làm thuê, thưa ông?

Chúng tôi cho rằng, hiện tại Việt Nam là quốc gia đi sau và mang tính kế thừa công nghệ (nhất là công nghệ thông tin) là chủ yếu. Trong bối cảnh hiện nay, các giải pháp , các ứng dụng CNTT của thế giới đã phát triển đi trước chúng ta.. Như vậy, vấn để của chúng ta là chọn lọc được những giá trị nào phù hợp với đặc trưng của thị trường và nhu cầu thực tế tại Việt Nam.. Từ những giá trị kế thừa mà phát triển những giá trị khác, nhất là làm chủ công nghệ, phát triển các giá trị gia tăng là cách rút ngắn con đường. Có thể chia sẻ một vài kết quả của HPT như thế này: về tích hợp hệ thống, năm 2010, HPT đạt doanh số 40 triệu USD, tiếp tục được triển khai một số dự án lớn  cho các khách hàng ngành ngân hàng, chính phủ, giáo dục,... có hàm lượng công nghệ, dịch vụ khá cao, phần lớn đều do đội ngũ của HPT trực tiếp thực hiện;mảng  dịch vụ khách hàng (chủ yếu cung cấp các dịch vụ CNTT cho doanh nghiệp) năm qua cũng chạm mốc  doanh số 1 triệu USD. Những con số trên có thể còn rất khiêm tốn, nhưng đối với chúng tôi là dấu chỉ cho  thấy mình đang đi đúng hướng. Mục tiêu của HPT là trở thành cầu nối, đưa các hệ thống ứng dụng CNTT tiên tiến của nước ngoài vào triển khai và hỗ trợ tối đa cho sự triển khai đó có hiệu quả cao nhất về lâu dài cho khách hàng tại Việt nam. Cho nên, đối với chúng tôi dịch vụ trong lĩnh vực hoạt động của mình chính là giá trị gia tăng, là lợi thế cạnh tranh, là bản sắc chứ không phải là một hoạt động “làm thuê”!

Không dễ để tạo nên một tập thể tạo điều kiện phát huy từng cá nhân đâu, thưa ông?


Đúng là rất khó nhưng không phải là bất khả. Xung đột luôn khởi nguồn từ sự không tương đồng. Như vậy, điều quan trọng nhất là phải làm thế nào xây dựng được một bản sắc riêng cho công ty và tất cả các nhân viên đều hiểu và trân trọng bản sắc này. Nét văn hóa mang đậm tính hướng thiện, cổ xúy cho con người lao động hết mình, có trách nhiệm, hướng đến sự cân bằng, hài hòa… Khi có cùng văn hóa, người ta luôn biết cách để nâng nhau lên. Bản sắc doanh nghiệp quan trọng như doanh thu vậy. HPT đầu tư xây dựng bản sắc văn hóa cho công ty khá nhiều, chúng tôi có những tập san, có ca khúc riêng, có những quyển sách rất hay …  do chính những nhân viên sáng tác, góp tay làm nên, những hoạt động cộng đồng và xã hội dù còn nhỏ bé nhưng rất nhiệt thành. Và còn nhiểu những nét văn hóa khác nữa. Tất cả, nhằm thể hiện tinh thần lao động cần cù, không ngại vất vả và luôn khao khát chinh phục những đỉnh cao của công nghệ và tri thức. Chúng tôi tự hào về hình ảnh con người HPT không chỉ có tri thức chuyên môn, chân thành mà còn là những người có tâm hồn, luôn hướng đến sự hoàn thiện. Tinh thần này được những người đi trước truyền lại cho các thành viên mới… Bước sang tuổi 16, nghĩa là văn hóa HPT đã có 16 năm bề dày và nền tảng này sẽ còn tiếp tục kết nối những con người của HPT.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!


Nam Khuê thực hiện
(Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn)